Nội dung chính
1. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa là gì?
Là loại hình bảo hiểm cho những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ điểm giao hàng (điểm xuất phát) đến điểm nhận hàng (điểm đích) trong phạm vi lãnh thổ nước Việt Nam. Phương tiện vận chuyển hay phương tiện vận tải hàng hóa vận chuyển khá đa dạng, tuy nhiên, phương tiện vận tải chủ yếu ở Việt Nam hiện nay là vận chuyển đường bộ bằng xe tải. Ngoài ra, vận chuyển nội địa tại Việt Nam khá đa dạng nhờ đặc điểm địa lý đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đường bộ, đường biển/đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Nên hiện nay, chủ hàng có thể lựa chọn các phương thức như:
- Vận chuyển bằng xe tải đường dài
- Vận tải đường sắt
- Vận tải đường biển nội địa
- Vận tải đường thủy
- Vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường hàng không
Tùy vào yêu cầu về thời gian, chi phí cùng đặc tính của sản phẩm, trọng lượng mà chủ hàng sẽ lựa chọn những phương thức vận chuyển phù hợp.
1/ Vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường bộ
Đối với vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường bộ hiện nay phổ biến nhất là container xe tải, ngoài ra có thể sử dụng các dạng xe chuyên chở khác như xe tải, xe thùng hoặc xe bồn.
Ưu điểm:
Thời gian: Thời gian vận chuyển nhanh, có thể chạy liên tục nếu không gặp sự cố về thiên tai, thời tiết mưa bão. Nếu vận chuyển hàng hóa bắc nam chỉ mất thời gian 3 ngày.
Linh động – Thuận tiện: Luôn sẵn sàng có đội xe chuyên trở, các điểm bến bãi nghỉ đậu phân bổ xuyên suốt các tuyến đường.
Đặc điểm hàng hóa: Vận chuyển nội địa bằng đường bộ linh hoạt trong việc vận chuyển các mặt hàng từ khối lượng nhỏ đến khối lượng lớn, hàng có kích thước cồng kềnh hay hàng đã sản xuất cần bảo quản kĩ lưỡng, hàng ở dạng rắn hoặc lỏng.
Nhược điểm:
Chi phí vận chuyển nội địa bằng đường bộ khá cao so với các phương thức đường sắt hay dường biển. Đặc biệt, trong thời gian gần đây để giảm tải cho đường bộ, Bộ Giao Thông kiểm soát chặt chẽ tải trọng vận chuyển nên cước vận chuyển đường bộ tăng lên.
Rủi ro vận chuyển:
Do việc vận chuyển bằng đường bộ bắt buộc phải sử dụng chung đường giao thông với nhiều phương tiện giao thông đi lại hỗn hợp khác, đặc biệt là chung với các phương tiện giao thông cá nhân của người dân có nhiều nguy cơ va chạm giao thông, đổ vỡ hàng hóa trên đường vận chuyển
2/ Vận chuyển nội địa bằng đường sắt
Để giảm tải cho đường bộ, các chủ hàng dần chuyển hướng lựa chọn phương thức vận chuyển nội địa bằng đường sắt.
Ưu điểm:
Hàng hóa được tập kết tập trung tại ga trước khi được xếp lên tàu giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển hơn so với quá trình chuyển hàng ra cảng rồi xếp lên tàu
Thời gian: Vận chuyển bằng đường sắt mang tính chuyên tuyến, chỉ dừng ở những ga chính, tất cả mọi phương tiện phải dừng lại khi tàu chạy qua nên thời gian vận chuyển nhanh, chính xác
Rủi ro: Do có đường ray riêng nên rủi ro do tại nạn xảy ra rất ít. Hạn chế sự tác động do thiên tai, mưa bão hay hạn hán nên quá trình vận chuyển diễn ra liên tục.
3/ Vận chuyển nội địa bằng đường biển
Hay còn gọi là vận chuyển container nội địa, ưu điểm của phương thức này là tiết kiệm, khả năng vận chuyển khối lượng lớn, có thể chở được hàng cồng kềnh, hàng siêu trường, siêu trọng. Tuy nhiên, vẫn chưa được phổ biến như các phương thức kể trên.
Nhược điểm của vận chuyển container nội địa gồm:
Thời gian vận chuyển khá chậm do phải cập nhiều bến trên hành trình
Hàng hóa chỉ cập cảng tại những địa điểm có cảng nên hàng hóa cần được vận chuyển ra cảng tập kết rồi khi đến cảng đích yêu cầu có xe để phân phối hàng đến các địa điểm trong lục địa.
Mang tính chuyên tuyến hàng hóa chỉ chạy bắc – nam
4/ Vận chuyển nội địa bằng đường hàng không
Ưu điểm vượt trội của vận chuyển nội địa bằng đường hàng không là về mặt thời gian, với khoảng cách hàng nghìn km thì hành trình chỉ mất vài tiếng đồng hồ có thể đến điểm đích. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của phương thức này là về cước phí. Cước phí vận chuyển hàng không rất cao, không thích hợp với hàng hóa số lượng lớn, cồng kềnh. Nên vận chuyển hàng có giá trị, nhỏ gọn như hàng điện tử, mỹ phẩm, thời gian hoặc tài liệu…
Như vậy, từ các thông tin kể trên, chúng ta có thể thấy phương tiện vận chuyển đường bộ bằng ô tô, xe container là phổ biến nhất nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro trong quá trình vận chuyển nhất. Do vậy, việc tham gia bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ là vô cùng cần thiết và hữu ích cho cả bên Bán hàng và bên mua hàng
2. Phạm vi quyền lợi của bảo hiểm
2.1 Các trường hợp được bảo hiểm
Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (sau đây gọi tắt là BẢO MINH) chịu trách nhiệm bồi thường đối với những mất mát, hư hỏng xảy ra cho hàng hóa được bảo hiểm do hậu quả trực tiếp của một trong những nguyên nhân sau đây:
- Cháy hoặc nổ,
- Động đất, bão lụt, gió lốc, sóng thần và sét đánh,
- Phương tiện vận chuyển bị đắm, bị lật đổ, bị rơi, mắc cạn, đâm, va nhau hoặc đâm va vào vật thể khác hay bị trật bánh,
- Cây gẫy đổ, cầu cống, đường hầm và các công trình kiến trúc khác bị sập đổ,
- Phương tiện chở hàng mất tích,
- Hy sinh tổn thất
Ngoài ra, BẢO MINH còn chịu trách nhiệm đối với những chi phí sau đây:
- Những chi phí hợp lý do Người được bảo hiểm, người làm công hay đại lý của họ đã chi ra nhằm phòng tránh hoặc giảm nhẹ tổn thất cho hàng hóa được bảo hiểm.
- Những chi phí hợp lý cho việc dỡ hàng, lưu kho và gửi tiếp hàng hóa được bảo hiểm tại một nơi dọc đường đi do hậu quả của rủi ro thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.
- Những chi phí hợp lý cho việc giám định và xác định tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm.
- Chi phí tổn thất chung và chi phí cứu hộ.
2.2 Các trường hợp loại trừ bảo hiểm
BẢO MINH sẽ không chịu trách nhiệm đối với những mất mát, hư hỏng hay chi phí gây bởi:
- Chiến tranh, đình công, nội chiến, cách mạng, khởi nghĩa, phản loạn hoặc quần chúng nổi dậy, cướp, mìn, thủy lôi, bom hoặc các dụng cụ chiến tranh khác.
- Hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của phóng xạ hay nhiễm phóng xạ phát sinh từ việc sử dụng năng lượng nguyên tử, hạt nhân và/hoặc phản ứng hạt nhân, phóng xạ tương tự.
- Hành động xấu, cố ý hay hành vi phạm pháp của Người được bảo hiểm hay người làm công cho họ.
- Những mất mát, hư hỏng hay chi phí do khuyết tật vốn có hoặc do tính chất đặc thù của loại hàng hóa được bảo hiểm.
- Xế́p hàng quá tải hoặc sai quy cách an toàn về hàng hóa nguy hiểm trong trường hợp Người được bảo hiểm và Người làm công của họ biết được tình trạng này.
- Đóng gói sai quy cách, bao bì không thích hợp hoặc hàng bị hỏng trước khi xếp lên phương tiện vận chuyển.
- Rò chảy thông thường, hao hụt trọng lượng hay giảm thể tích thông thường của hàng hóa được bảo hiểm trong quá trình vận chuyển (bao gồm cả việc xếp hàng vào container).
- Phương tiện vận chuyển không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông.
- Những mất mát, hư hỏng hoặc chi phí có nguyên nhân trực tiếp do chậm trễ, dù chậm trễ đó do một rủi ro được bảo hiểm.
3. Thủ tục tham gia bảo hiểm
Khi có nhu cầu bảo hiểm, người có nhu cầu phải gửi cho BẢO MINH giấy yêu cầu (theo mẫu của BẢO MINH) trong đó ghi rõ:
- Tên Người được bảo hiểm,
- Tên hàng hóa, loại bao bì, cách đóng gói và ký mã hiệu hàng hóa được bảo hiểm
- Trọng lượng, số lượng hàng hóa và giá trị hàng hóa được bảo hiểm,
- Hành trình vận chuyển (nơi đi – nơi đến và nơi chuyển tải nếu có)
- Tên chủ phương tiện, loại phương tiện và số đăng ký của các phương tiện vận chuyển đó,
- Ngày, tháng phương tiện vận chuyển khởi hành và dự kiến ngày đến.
- BẢO MINH sẽ căn cứ vào giấy yêu cầu bảo hiểm để cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Người được bảo hiểm phải thanh toán phí bảo hiểm cho BẢO MINH ngay khi nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm. Bảo hiểm chỉ có hiệu lực khi đã thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ, trừ khi có thỏa thuận khác.
- Nếu sau khi bảo hiểm này được ký kết mà có bất kỳ thay đổi nào về những thông tin đã cung cấp liên quan đến lô hàng được bảo hiểm thì Người được bảo hiểm có nhiệm vụ thông báo cho BẢO MINH biết ngay khi họ biết được sự thay đổi đó.
- Khi nhận được thông báo này, BẢO MINH sẽ cấp Giấy sửa đổi bổ sung và có thể yêu cầu Người được bảo hiểm trả thêm phí bảo hiểm.
- Nếu Người được bảo hiểm khai báo sai hoặc giấu giếm những thông tin liệt kê trong giấy yêu cầu bảo hiểm hay những sự việc thay đổi cần được thông báo cho BẢO MINH, thì BẢO MINH được miễn trách nhiệm đã quy định trong bảo hiểm này mà vẫn có quyền nhận phí bảo hiểm.
4. Giải quyết bồi thường
4.1 Nghĩa vụ của Người được bảo hiểm khi xảy ra tổn thất
Trường hợp xảy ra tổn thất hàng hóa thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm như Mục 3, Người được bảo hiểm hay người làm công cho họ hoặc đại diện của họ phải:
- Khai báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý theo luật lệ hiện hành.
- Thông báo ngay cho BẢO MINH hoặc đại diện của họ tại địa phương gần nhất để thu xếp giám định.
- Phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết để cứu chữa và bảo quản hàng hóa nhằm đề phòng và hạn chế tổn thất xảy ra thêm.
- Làm các thủ tục cần thiết để bảo lưu quyền đòi bồi thường đối với người chuyên chở hay người thứ ba khác có trách nhiệm đối với tổn thất, mất mát hàng hóa đó.
(BẢO MINH có quyền từ chối bồi thường một phần hay toàn bộ tổn thất nếu Người được bảo hiểm không thi hành đầy đủ những nghĩa vụ trên)
Ngoài ra, khi khiếu nại BẢO MINH về những mất mát, hư hỏng, tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm này, Người được bảo hiểm cần nộp đủ những giấy tờ:
- Bản chính “Giấy chứng nhận bảo hiểm”,
- Bản chính hợp đồng vận chuyển, giấy vận chuyển hàng hóa do chủ phương tiện cấp,
- Hóa đơn hàng hóa kèm bản kê chi tiết hàng hóa, phiếu ghi trọng lượng và số lượng hàng hóa,
- Biên bản giám định hàng tổn thất ghi rõ mức độ tổn thất,
- Biên bản điều tra tai nạn của cơ quan chức trách địa phương,
- Văn bản khiếu nại người chuyên chở hay người thứ ba khác về trách nhiệm đối với tổn thất do họ gây ra,
- Giấy yêu cầu bồi thường.
4.2 Cách tính và thanh toán bồi thường
Khi hàng hóa bảo hiểm bị tổn thất bộ phận thì số tiền bồi thường sẽ được tính trên cơ sở mức độ tổn thất nhân với số tiền bảo hiểm. Mức độ tổn thất sẽ được xác định bằng cách lấy số chênh lệch giữa tổng giá trị hàng khi còn nguyên vẹn và sau khi tổn thất tại cảng dỡ hàng chia cho tổng giá trị hàng khi còn nguyên vẹn tại cảng dỡ hàng.
Trách nhiệm của BẢO MINH chỉ giới hạn ở số tiền bảo hiểm.
- Nếu số tiền bảo hiểm của hàng hóa thấp hơn giá trị bảo hiểm thì BẢO MINH chỉ bồi thường những mất mát, hư hỏng và các chi phí như đã quy định ở Mục 3 và 4 trên đây theo tỉ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm.
- Nếu số tiền bảo hiểm của hàng hóa cao hơn giá trị bảo hiểm thì phần cao hơn đó không được thừa nhận.
BẢO MINH có quyền miễn trách nhiệm quy định trong bảo hiểm này bằng cách khước từ quyền lợi về hàng hóa được bảo hiểm và quyền khiếu nại người thứ ba, đồng thời bồi thường cho Người được bảo hiểm toàn bộ số tiền bảo hiểm.
Trường hợp phải tuân thủ ý kiến của BẢO MINH để thực hiện các biện pháp đề phòng tổn thất thì BẢO MINH phải thanh toán cho Người được bảo hiểm những chi phí hợp lý và cần thiết khi áp dụng biện pháp này dù cho tổng số tiền bồi thường như vậy có thể vượt quá số tiền bảo hiểm.
- Sau khi kiểm tra và xác nhận hồ sơ khiếu nại của Người được bảo hiểm là hợp lệ và tổn thất thuộc trách nhiệm, BẢO MINH sẽ thanh toán bồi thường cho Người được bảo hiểm trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại hợp lệ.
- Trường hợp hồ sơ khiếu nại gửi đến chưa hợp lệ hoặc cần xác minh thêm hoặc tổn thất không thuộc trách nhiệm bảo hiểm thì BẢO MINH phải thông báo bằng văn bản cho Người được bảo hiểm biết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ khiếu nại.
- Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được giấy thông báo bồi thường hoặc giấy từ chối bồi thường mà Người được bảo hiểm không có ý kiến gì bằng văn bản thì khiếu nại đó coi như đã kết thúc.
- Khi thanh toán tiền bồi thường, BẢO MINH có thể khấu trừ vào tiền bồi thường các khoản thu nhập của Người được bảo hiểm trong việc bán hàng hóa cứu được và đòi người thứ
- Trường hợp phương tiện vận chuyển bị mất tích, hàng hóa đã được coi là tổn thất toàn bộ hoặc hàng bị mất mà sau khi đã bồi thường lại tìm thấy thì số hàng đó sẽ thuộc quyền sở hữu của BẢO MINH
Để được tư vấn thêm về các thông tin liên quan đến bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa cũng như thủ tục tham gia bảo hiểm tại Bảo Minh, Quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay Hotline 24/7 trên website: baohiembaominh.com hoặc nhấn đăng ký và để lại thông tin liên lạc trên form đăng ký để chúng tôi có thể liên hệ lại trong thời gian sớm nhất và tư vấn miễn phí cho anh/chị mọi thắc mắc liên quan
>> Tham khảo: Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa của Bảo Minh